Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

BỒNG LAI TIÊN CẢNH


BỒNG LAI TIÊN CẢNH 


Đặt chân tới đây, bạn như lạc vào thế giới bồng lai tiên cảnh...
Trương Gia Giới là tên một thành phố ở phía Tây Bắc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Đây cũng là thiên đường du lịch với vô số cảnh đẹp thần tiên: từ núi non, sông nước hữu tình đến những thung lũng nên thơ, khu rừng nguyên sinh hoang dã. Đặc biệt, với rừng đá sa thạch hùng vĩ, Trương Gia Giới còn được mệnh danh là “Pandora trên Trái đất”.

Pandora là tên một hành tinh tươi tốt mang sự sống nằm trong chòm sao Alpha Centauri trong bộ phim "Avatar", được biết đến với khung cảnh hùng vĩ, hài hòa giữa mây, trời, núi và cây cỏ. Khu vực mà chúng ta chuẩn bị "du ngoạn qua màn hình máy tính" dưới đây là một minh chứng về việc "Pandora có thật trên Trái đất".


Cách trung tâm thành phố khoảng 20 phút chạy xe, công viên quốc gia Trương Gia Giới được coi như “vườn sau” của thành phố và còn được gọi với cái tên mỹ miều “công viên đào nguyên”.

Rừng nguyên sinh Trương Gia Giới rộng khoảng 4.810ha, ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển. Nơi đây đã được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới năm 1992, Công viên Địa chất Thế giới vào năm 2004. 

Cả khu vực nằm trong vùng khí hậu cận nhiệt đới ẩm, quanh năm có sương mù bao phủ như chốn bồng lai.


Những chóp núi ẩn mình trong sương sớm, để rồi vút cao đầy kiêu hãnh khi Mặt trời lên.



Sự đa dạng của cảnh quan mang đến cho mỗi mùa một vẻ đẹp rất riêng.



Rừng đá sa thạch là cảnh đẹp nổi tiếng nhất ở Trương Gia Giới với quần thể núi đá cao vút, đứng sừng sững như những cây cột trụ trời, tạo nên khung cảnh nguyên sơ vô cùng ấn tượng.
Khu rừng đặc biệt này có tới hơn 3.000 cột đá và vách núi hình thù thiên biến vạn hóa, có cột cao tới 800m. Giữa các cột đá và khe núi là các hang động, suối nguồn, những rừng cây nguyên sinh nơi cư trú của nhiều loài cây ôn đới.

Khung cảnh ngoạn mục này là kết quả của quá trình kiến tạo địa chất kéo dài suốt 380 triệu năm, từ khi cả khu vực còn chìm sâu dưới đáy biển, qua nhiều lần nâng lên hạ xuống của vỏ Trái đất và quá trình bào mòn, phong hóa.


Đứng trên đỉnh núi phóng tầm mắt xuống thung lũng, khung cảnh bao trùm ngút mắt một màu xanh.



Hai vách núi chụm đầu vào nhau hình thành cây cầu tự nhiên, hay còn được người dân nơi đây gọi là “Thiên hạ đệ nhất kiều”.


Đây chính là ngọn núi Hallelujah nổi tiếng - nguyên mẫu để các nhà làm phim tạo ra những ngọn núi bồng bềnh giữa biển mây trong siêu phẩm điện ảnh Avatar (2009). Vì thế, Trương Gia Giới còn được mệnh danh là “Pandora trên Trái đất”.

Trong số những ngọn núi tuyệt đẹp của Trương Gia Giới, Thiên Môn là đặc biệt nhất. Để lên đến được đỉnh, chúng ta phải đi hết con đường dài 11km uốn lượn quanh núi.


Con đường này có 99 khúc quanh, tượng trưng cho 9 cung trên Thiên đình


Leo qua 999 bậc thang dốc đứng của đỉnh Thiên Môn, du khách sẽ tới được Cổng Trời, vốn là một lỗ khổng lồ được Mẹ Thiên nhiên "tạc" trong lòng núi. 


Cổng Trời có hình bán nguyệt và cao tới 130m. Với địa thế ngoạn mục, đây thường là nơi tổ chức các màn biểu diễn nhào lộn máy bay.


Một ngôi chùa lớn được xây dựng trên đỉnh núi.


Để phục vụ nhu cầu ngắm cảnh của du khách, người ta đã dựng một con đường nhỏ men theo vách đá cao ngất của đỉnh Thiên Môn. Con đường có tên Skywalk, dài khoảng 80m, trong đó có 1 đoạn lát kính. 


Khi đi bộ trên Skywalk, bạn sẽ phải thót tim và rón rén như bước trên mây. Bởi lẽ, mọi cảnh vật hiện rõ mồn một ngay dưới chân và dưới lớp kính là độ cao đáng sợ - hơn 1.400m.


Trương Gia Giới nằm trọn trong đất liền, song với hơn 800 mạch nước từ ao, hồ, sông, suối, thác nước..., nơi đây không bao giờ bị thiếu nước ngay cả trong mùa khô hạn. 


Thác nước Yuanyang (Uyên Ương) đổ xuống từ độ cao 100m, tiếng rì rào của nó vang vọng khắp vùng núi.

Thả thuyền trên hồ Bảo Phong, du khách sẽ có cơ hội thưởng thức phong cảnh đẹp như tranh vẽ của những rặng núi xanh ngắt hai bên bờ và thác nước trắng muốt đổ xuống từ sườn núi.


Rời xa những đô thị náo nhiệt và bụi bặm của thành phố du lịch với 1,68 triệu dân, được hít đầy lồng ngực bầu không khí trong lành tinh khiết và tận hưởng cái không gian yên tĩnh chỉ có tiếng vượn hót chim kêu, bạn chắc chắn sẽ phải nấn ná, không muốn rời khỏi chốn này.


Cư dân bản địa Trương Gia Giới chủ yếu là người dân tộc thiểu số như người Thổ Gia, người Bạch, người Miêu... còn người Hán chỉ chiếm chưa đầy 1/4.

Các dân tộc thiểu số đã hình thành những phong tục tập quán độc đáo, bao gồm nghệ thuật ca hát, nhảy múa, các lễ hội dân gian...


20 năm trước, để đến được khu rừng đá sa thạch của Trương Gia Giới, du khách sẽ phải vượt qua những con đường đất lầy lội, nhưng giờ đây họ đã có thể dễ dàng lên đến đỉnh Thiên Môn mà gót chân không dính bùn. Thành phố Trương Gia Giới ngày nay đã phát triển thành một trong những cụm du lịch hàng đầu Trung Quốc với nhiều điểm du lịch hấp dẫn, cùng chuỗi công viên, nhà hàng, khách sạn... 


Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của Trương Gia Giới lại không đi kèm những hệ lụy xấu đối với thiên nhiên. Bởi song song với phát triển du lịch, chính quyền địa phương luôn tuân thủ một nguyên tắc sống còn: “Bảo tồn thứ nhất, phát triển thứ hai”. Nhờ vậy, trong suốt 40 năm qua, khu vực này chưa từng xuất hiện một vụ cháy rừng lớn hay dịch bệnh đáng kể nào đối với cây cối và động vật.


10 triệu lượt du khách đã đến tham quan công viên quốc gia Trương Gia Giới trong suốt 1 thập kỉ qua và vẻ đẹp tự nhiên của nó như vẫn còn nguyên vẹn. Sẽ thật đáng tiếc nếu bạn đến với Hồ Nam mà không ghé thăm địa danh độc đáo này. 

Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2012

Đan viện Xitô Châu Sơn


Đan viện Xitô Châu Sơn 


Trên con đường lớn vào rừng quốc gia Cúc Phương, tỉnh Ninh Bình, xuôi theo dòng sông Nho Quan không chỉ có khu bảo tồn thiên nhiên đầm Vân Long thu hút đông du khách nước ngoài với “tour’ du lịch xe trâu, mà còn có một công trình kiến trúc độc đáo được dựng nên hoàn toàn bằng bàn tay của những người tu hành – đó là Tòa Thánh đường Đan viện Châu Sơn. Theo Kỷ yếu của Đan viện, ngôi Thánh đường theo dòng Khổ Tu này được xây dựng vào năm 1939, cung hiến năm 1945 bởi sự khấn nguyện và tiền cúng của cha Phêrô Trần Đức Trưởng. Hiện tại có tấm bia khắc ngay dưới chân nhà thờ ghi nhận ca ngợi công đức của cha Phêrô.
Thánh đường Đan viện Châu Sơn là một trong những điểm đến ít người biết tới bởi ngôi thánh đường này nằm ẩn sâu sau trục đường chính, trong một khoảng không gian hữu tình có núi, có sông, có hồ và có rất nhiều cây cối bao quanh. Khởi công xây dựng tháng 2-1939, mặc dù không hề có bản vẽ thiết kế trên giấy, mà hoàn toàn dựa vào sự nghiên cứu, hướng dẫn của Linh mục Placiđô Trương Minh Trạch – là chủng sinh của Đại Chủng viện Sài Gòn ra đây thành lập Đan viện; cũng không có các phương tiện hiện đại, xi măng cốt thép, chỉ có giàn giáo và bàn tay vài chục thày trò và thợ địa phương, công trình kéo dài đến cuối năm 1945 mới hoàn tất, song lập tức nổi bật giữa vùng núi non heo hút. “Vỏ bọc” Tòa Thánh đường toàn bằng gạch tự nung, không trát, độc đáo ở chỗ hơn 6 thập kỷ trôi qua không hề bị rêu phong, vẫn mộc mạc một màu đỏ son giống như công trình Nhà thờ lớn ở Sài Gòn.
Thánh đường Đan viện Châu Sơn quay về hướng Đông, thiết kế theo kiểu Gothique với bức tường bao quanh dày tới 0,6 m, chỗ có cột dày 1,2 m, tạo sự ấm áp về mùa đông và mát mẻ về mùa hạ.
Nhìn từ hai bên, điểm nhấn xuyên suốt chiều dài 64 m chính là những cột nhà được thiết kế thành những tháp nhỏ cân xứng
Tường được trang trí hài hòa bởi các cửa sổ chia thành hai tầng trên và dưới, phía trong là cửa kính gỗ, phía ngoài chính là những bức tranh “chạm thủng” họa hình các Thánh, hình Chúa Giêsu vác Thánh giá và cầu nguyện.
Phía trong Thánh Đường, ánh sáng tự nhiên lọt vào hai hành lang rộng qua những cửa sổ lớn, tôn lên những hàng cột tròn và họa tiết trang trí hay những bức phù điêu đơn giản, có tính khái quát cao.
Mái vòm trắng cao 21m là đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc trong lòng Thánh đường Đan viện Châu Sơn, làm nổi bật gian cung thánh với các bức phù điêu màu tuyệt tác (biểu tượng Chúa Ba Ngôi, tượng Đức Mẹ, các Thánh).
Khuôn viên Đan viện được bao phủ một màu xanh đầy sức sống bởi rất nhiều loại cây khác nhau, và hiện tại cấc Thầy đang tìm kiếm và trồng thêm nhiều loại cây khác để tạo bầu không khí tự nhiên cho Đan viện.
Một góc khu vực vườn Con Voi, nằm giữa Thánh Đường và Nhà nghỉ dành cho khách hành hương, phía trước là một hồ nước lớn nuôi cá trê.

Một gốc cây trong vườn Con Voi, nhìn qua chúng ta cũng có thể thấy nó giống con chim Thiên Nga.
Nhà nghỉ dành cho khách hành hương của Đan Viện, cũng là nơi tiếp khách của Đức Tổng Giuse và các Cha. Phía cuối nhà nghỉ là dãy nhà ăn gồm một phòng lớn và hai phòng nhỏ liền kề, phía sau là hồ nước nuôi cá chim và vườn cây xanh.
Một góc vườn thuộc khu vực Nội Vi (Nơi sinh hoạt và học tập của các Tu Sĩ), tuy thuộc cùng một khối trong kết cấu Gothique với phần phía trước là Thánh Đường, nhưng không gian nơi đây cách biệt hoàn toàn với khu vực bên ngoài bởi những dãy tường nối tiếp và những hàng cây mọc khin khít nhau.
Con đường dành riêng cho các Tu sĩ trong khu vực Nội Vi, đi thẳng vào mạn trái Thánh Đường
Nếu nói về “Của Lạ” trong tự nhiên thì có lẽ là Đan Viện Châu Sơn không thiếu, đơn cử như gốc Dừa này, tuy đã bị đốn ngang tới gần sát gốc nhưng từ trong thân cây, nước vấn tự động tuôn đổ thấm ướt cả thân Dừa.
Tượng đài Đức Mẹ – một phần trong quần thể Vườn Fatima mà Đan Viện Châu Sơn hiện tại đang thi công, theo lời Đức Tổng và Cha Bề trên thì vườn Fatima sẽ hoàn thành vào năm 2013.
Cách tượng đài Đức Mẹ không xa là khu vực nuôi bốn cây Sồi và hai cây Olive, theo như lời giới thiệu của Đức tổng Giuse Ngô Quang Kiệt thì sáu gốc cây này được đích thân Ngài nhờ người đưa trực tiếp từ Mỹ về, để sau khi lớn lên sẽ đặt vào Vườn Fatima. Và vì khí hậu nơi cây sồi và cây Olive phát triển rất giống với khí hậu Việt Nam nên khi đem về Đan Viện thì chỉ trong thời gian ngắn chúng đã phát triển rất nhanh.
Phía xa xa, trên đỉnh núi là tượng Thánh giá được đúc bằng Xi Măng, mọi vật liệu như xi măng, sắt thép đều được các thầy chuyển lên thủ công.
Còn có hang Đức Mẹ Maria nằm phía sau nhà thờ. Muốn tới hang đá phải trèo lên 299 bậc cầu thang và dọc đường có rất nhiều thánh giá. Ở đây còn có nhiều ngôi mộ của các vị linh mục già mất đi được chôn cất tại đây.
Điều đặc biệt: Nơi đây luôn mở rộng cửa cho những người muốn về tĩnh tâm, hàng ngày Đan viện tiếp đón rất nhiều đoàn khách chủ yếu là các tổ chức, hội đoàn, dòng tu và sinh viên giới trẻ thuộc khu vực miền Bắc về tĩnh tâm cũng như hành hương.
Không khí cực kỳ yên tĩnh và trong lành vào buổi sáng sớm. Được biết ở Đan Viện Châu Sơn, ngày mới bắt đầu vào lúc 3h40 sáng. lúc 4h00 các thầy sẽ cùng vào Thánh Đường đọc kinh và chúc tụng, vinh danh Thiên Chúa.
Về với Đan Viện Châu Sơn, chúng ta tìm được sự bình yên và thảnh thơi trong tâm hồn mỗi người…!
__._,_.___
.
__,_._,___
 John vo Sưu tâm trên mạng