Thứ Năm, 22 tháng 12, 2011

BỔN DẠY CHẦU DÂNG" VÀ GIÁO LÝ CÔNG GIÁO VIỆT NAM



BỔN DẠY CHẦU DÂNG" VÀ GIÁO LÝ CÔNG GIÁO VIỆT NAM



 BỔN DẠY CHẦU DÂNG - MỘT CUỐN SÁCH CẦN THIẾT 
CHO VIỆC NGHIÊN CỨU VỀ GIÁO LÝ CÔNG GIÁO Ở VIỆT NAM
Nguyễn Hồng Dương - Trần Anh Đào
Viện Nghiên cứu Tôn giáo
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Truyền bá và phát triển đạo Công giáo ở Việt Nam, một trong những việc cần làm đầu tiên của Công giáo ở Việt Nam là biên soạn sách kinh bổn cho tín đồ. Sách bổn thuộc vào loại sách giáo lí. Sách bổn hiểu một cách đại lược là sách mà Công giáo Việt Nam biên soạn những tín lí, những lẽ đạo cần thiết để dạy tín đồ. Cuốn Kinh Bổn,Toàn Giám mục Phát Diệm xuất bản, 1991, Phần II, Sách bổn, giải nghĩa là sách “dạy những lẽ cần cho được rỗi linh hồn”.
Cho đến đầu thế kỉ XX, hầu hết sách bổn đều được xuất bản bằng chữ Nôm. Theo Linh mục Nguyễn Hưng: “Sách Hán Nôm Công giáo Việt Nam bắt đầu từ khi cộng đồng này có mặt ở Việt Nam, từ thế kỉ XVII cho đến đầu thế kỉ XX. Tức là từ mấy trang thư viết bằng chữ Nôm của Ben-tô Thiện và một số giáo dân đệ trình sang Tòa Thánh các năm 1645 và 1675, cho đến cuốn sách Nôm xuất bản cuối cùng vào năm 1929 là cuốn Thánh giáo kinh nguyện (Hà Nội).”(1)
II. VÀI NÉT VỀ VĂN BẢN
Trong số sách giáo lí được soạn bằng chữ Nôm của Giáo hội Công giáo Việt Nam đáng chú ý là cuốn Bổn dạy chầu dâng. Sách do Giám mục Y-di-đô Lư Mĩ, giám mục giáo phận Tây Đàng Trong soạn. Y-di-đô Lư Mĩ là phiên âm từ tên riêngIsidor François Joseph Colombert Mĩ, Giám mục thuộc Hội Thừa sai Paris (MEP), sinh ngày 19-3-1838; chịu chức linh mục ngày 30-5-1863; sang Nam kì ngày 16-7-1863; chịu chức Giám mục ngày 25-7-1872 ở Sài Gòn, hiệu toàn Samosate; mất ngày 31-12-1894 tại Sài Gòn.(2)
Bổn dạy chầu dâng, là sách bổn được soạn dùng cho người lớn có nhu cầu gia nhập đạo Công giáo học để được rửa tội.(3) Phần mở đầu với tiêu đề Tiểu tự, viết:
“Bấy lâu nay ta ước ao cho có một quyển sách trình bày vắn tắt, tóm lại những lẽ cần kíp hơn trong Đạo thánh đức Chúa trời, cho chầu dâng đặng học. Nay ta đã coi lại bản cũ dạy chầu dâng và thêm một vài điều. Cũng chép vào những kinh bổn đạo quen đọc hôm mai (sớm tối). Vậy phần thứ nhất và phần thứ hai bản này tóm lại những lẽ cần kíp trong Đạo và những kinh thường chầu dâng phải học thuộc lòng trước khi chịu phép rửa tội. Còn trong phần thứ hai, thì chầu dâng phải học thuộc lòng chút ít nữa là Thiên chúa thập giới và Hội thánh luật điều. Ai nấy đều phải giữ lề luật chung này mà dạy chầu dâng trong địa phận ta.
Ta ban phép(4) sách này.
Giám mục Y-di-đô Lư Mĩ ghi.”(5)
Cuốn Bổn dạy chầu dâng mà chúng tôi có trong tay để dịch được in ra từ đĩa Micro film do linh mục G. Mossay, Hội Thừa sai Paris (MEP) gửi tặng.
Do không có bản gốc nên chúng tôi không rõ sách được in trên loại giấy gì. Sách có độ dày 44 trang, mỗi trang 8 dòng, mỗi dòng 24 chữ. Theo cuốn: Mục lục thư tịch Hán Nôm tàng trữ tại Hội Thừa sai Paris thì khổ sách là 23x14,4cm.(6) Căn cứ vào khổ sách có thể đoán được sách in trên giấy dó, một loại giấy in chữ Hán Nôm đương thời,và đây là loại mộc bản. Linh mục Nguyễn Hưng trong cuốn Sơ thảo thư mục Hán Nôm Công giáo Việt Nam cho biết sách do nhà in Nazareth in, 44 trang, in trên giấy tàu bạch.(7)
Tuy nhiên theo Linh mục Nguyễn Hưng thì tác phẩm này còn thất lạc, nhưng trên thực tế đã trình bày ở trên thì sách hiện vẫn còn được lưu giữ tại thư khố của Hội Thừa sai Paris (MEP). Điểm lưu ý là độ dày của sách 44 trang là trùng với số trang của sách mà chúng có trong tay. Còn sách được in trên giấy tàu bạch hay không, hiện chưa thể biết chính xác.
Cuốn sách Mục lục thư tịch Hán Nôm tàng trữ tại Hội Thừa sai Paris khi đề cập đến cuốn Bổn dạy chầu dâng có một số điểm lưu ý sau đây:
Trang 16 viết: Bổn dạy chầu những, đó là do dịch giả có sự lầm lẫn giữa âm đọc chữ “” là “dưng” và “những”. Theo Từ điển chữ Nôm của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, chữ “” gồm các âm đọc như “dưng”, “nhưng” chúng tôi, người soạn văn chữ Nôm này chịu ảnh hưởng của tiếng địa phương (“những”, nhưng cũng có trường hợp chữ dưng được viết bởi “đăng + thượng” (登上), tức là chữ dâng có dấu nháy (), như vậy có sự liên hệ giữa âm đọc và cách viết chữ nhưng và chữ dưng và cả chữ dâng.(8) Hơn nữa, (theo chữ Nam Bộ), nên chữ chầu dâng được viết bởi chữ chầu dưng (朝仍) mà không phải là chầu dâng (朝登上). Song đây cũng chỉ là phỏng đoán của chúng tôi, mong được các nhà Hán Nôm học chỉ giáo.
Trang 81, in hình chụp bìa cuốn Bổn dạy chầu dâng.
Trang 82, chụp trang tiếp theo của cuốn sách, trang này được chia thành ba phần theo chiều dọc. Phần giữa rộng hơn in thời gian ấn tống: Giáng sinh Một ngàn tám trăm tám hai năm (Năm Thiên Chúa giáng sinh 1882), hai phần dọc hai bên hẹp hơn và phần in chữ cũng nhỏ hơn.
Phần dọc bên phải ghi: Khâm Chúa ái nhân chân phúc bản
Phần dọc bên trái ghi: Trừ tư át dục trắc Thiên (扌弟 )
Những nội dung trên hầu hết phù hợp với nội dung thư mục được in ở trang 16 cuốn Mục lục thư tịch Hán Nôm tàng trữ tại Hội Thừa sai Paris. Sở dĩ chúng tôi viết “hầu hết” vì có một điểm đáng lưu ý trong nội dung thư mục còn ghi thêm sách được in tại nhà in Nazareth Hương Cảng. Phần nội dung này không thấy có trong mộc bản, như vậy có thể suy ra ngoài bản in năm 1882 (không rõ in ở đâu), còn có một bản in tại nhà in Nazareth. Cũng cần lưu ý một bản nữa in ở nhà in này vào năm 1897. Bản in này khác với bản 1882. Căn cứ vào bản chụp in trong cuốn Mục lục thư tịch Hán Nôm tàng trữ tại Hội Thừa sai Paris, trang bìa lót (Không thấy chụp trang bìa chính) có in hoa văn diềm xung quanh, được chia làm năm phần thay vì chia làm ba phần theo chiều dọc như bản in năm 1882. Phần giữa ghi chữ to đậm Thiên Chúa giáng sinh Một ngàn tám trăm chín mươi bảy năm (năm Thiên Chúa giáng sinh 1897); Hai phần ở hai bên từ phải qua trái ghi chữ nhỏ hơn:
Hương Cảng chúa giáo Hòa Chuẩn
Khâm Chúa ái nhân chân phúc bản,
Trừ tư át dục trắc Thiên * (扌弟 )
Hương Cảng Nạp tạp lạp (Nazareth) Tĩnh viện ấn bản.
Đây là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu thêm, trong bài viết này chúng tôi chỉ xin đề cập đến bản in năm 1882.
III. TÓM TẮT NỘI DUNG
Ngoài trang bìa, trang bìa lót và bài Tiểu tự đã được chúng tôi trình bày ở trên, những trang còn lại là phần nội dung cuốn sách. Nội dung được soạn theo hình thức vấn đáp Hỏi - Thưa với ba phần.
Phần thứ nhất gồm mười vấn đề xoay quanh những tín lí Công giáo, từ trang 5 đến trang 20. Trang 21 và hai dòng của trang 22 là phần tóm lại mười vấn đề đã được trình bày ở trên với đầu đề: Tóm lại các điều trước nay.Xin được trích nguyên văn:
“Sáu điều cần kíp mọi người phải biết và tin cho đặng rỗi linh hồn: Một là: Tôi phải tin có một Đức Chúa trời, mà Ngài có ba ngôi. Ngôi thứ nhất là Cha, ngôi thứ hai là Con và ngôi thứ ba là Đức Chúa Thánh thần. Ba ngôi một tính một phép, ba ngôi một Chúa, ba ngôi bằng nhau. Hai là: Tôi phải tin ngôi thứ hai ra đời làm người có hồn có xác như ta, mà Ngài cũng là Đức Chúa trời thực. Ba là: Tôi phải tin Đức Chúa Giê su chịu nạn chịu chết trên cây thánh giá cho cả loài người ta. Bốn là: Tôi phải tin mỗi người có một linh hồn tính thiêng liêng, là loại hằng sống, chẳng hề chết được. Năm là: Tôi phải tin có thiên đường để thưởng lành đời đời, có địa ngục để phạt kẻ dữ kiếp kiếp. Sáu là: tôi phải tin đến ngày tận thế, xác loài người ta đến thì sống lại mà chịu phán xét chung, kẻ lành lên thiên đường hưởng phúc, kẻ dữ sa địa ngục chịu hình khổ đời đời chẳng hết (cùng). Lại (nữa) tôi cũng phải tin mỗi điều Hội Thánh dạy chẳng sót điều nào”.
Phần thứ hai, từ trang 22 đến trang 30, gồm các nội dung:
·Thiên Chúa Thập giới (Mười điều răn đạo đức Chúa Trời).
·Hội Thánh lục giới (Sáu điều răn của Hội Thánh).
·Thương xác bảy điều (Thương xác bảy mối).
·Thương linh hồn bảy điều (Thương linh hồn bảy mối).
·Cải tội bảy mối (Cải tội bảy mối có bảy đức).
·Phúc thật tám mối (Tám mối phúc thật).
·Phần thứ ba, từ trang 30 đến trang 42 viết về các kinh ban ngày cho người chầu dâng đọc, bao gồm:
·Kinh Lấy dấu
·Kinh Nhật một
·Kinh Tin
·Kinh Cậy
·Kinh Kính mến
·Kinh Dâng
·Kinh Lạy Cha
·Kinh Kính mừng
·Kinh Tín kính
·Kinh Cáo mình
·Kinh Ăn năn tội
·Kinh Tôi thưa Đức Chúa Thiên thần
·Kinh Lạy Nữ vương
·Kinh Chúng tôi trông cậy
IV. MỘT VÀI NHẬN XÉT
Đúng như phần Tiểu tự, cuốn sách đã giới thiệu tóm tắt những điều cần thiết để dạy bổn đạo, đó là những lí tín cơ bản của Công giáo, những lề luật mà người chầu dâng phải biết và một số kinh cầu cốt yếu mà họ phải thuộc trước khi chịu phép rửa tội.

Bản 1
Bản 2
Thiên Chúa Thập giới
Mười điều răn Đạo Đức Chúa trời
Thứ nhất: Kính trọng một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự
Thứ nhất: Thờ phượng một Đức Chúa Trời duy nhất và kính mến Người trên hết mọi sự
Thứ hai: Chớ lấy tên Đức Chúa Trời mà thề dối
Thứ hai: Chớ kêu tên Đức Chúa trời vô cớ
Thứ ba: Giữ ngày Chúa nhật
Thứ ba: Giữ ngày Chúa nhật
Thứ bốn: Thảo kính cha mẹ, cùng các đấng bề trên, phần hồn phần xác
Thảo kính cha mẹ
Thứ năm: Chớ giết người. Chớ làm hại cho người, chớ làm điều xấu.
Thứ năm: Chớ giết người
Thứ sáu: Chớ làm tà dâm.
Thứ sáu: chớ làm sự dâm dục
Thứ bảy: Chớ ăn trộm cắp, chớ ăn gian, ăn bớt của ai.
Thứ bảy: Chớ lấy của người
Thứ tám: Chớ bỏ vạ cho người. Chớ nói dối, chớ làm chứng dối, chớ vô chứng cứ mà hồ nghi sự trái cho ai, chớ nói hành bỏ vạ ai.
Thứ tám: Chớ làm chứng dối
Thứ chín: Chớ mong vợ chồng người. Chớ có lòng động lòng lo, tư tưởng sự chẳng nên
Thứ chín: Chớ muốn vợ chồng người
Thứ mười: Chớ tham của người
Thứ mười: Chớ tham của người

Sách được soạn vào năm 1882, trên cơ sở của cuốn sách trước đó. Những nội dung biên soạn về cơ bản cho đến nay vẫn thấy sử dụng trong các sách kinh, bổn của các địa phận công giáo. Điều này cho thấy từ rất sớm, Giáo hội Công giáo ở Việt Nam đã định hình được những vấn đề cốt lõi để dạy tín đồ.
Hình thức thể hiện ở phần thứ nhất: dạy những lí tín theo cách hỏi đáp, ngắn gọn, súc tích, giúp cho người chầu dâng dễ thuộc, dễ nhớ, vì hẳn là phần lớn trong số họ đều không biết chữ. Hình thức này, ngày nay Giáo hội vẫn tiếp tục sử dụng bởi tính hiệu quả cao của nó.
Sách do Giám mục Sài Gòn soạn bằng chữ Nôm nên chúng ta bắt gặp một số từ ngữ địa phương như Chầu dưng (dâng), ả, hôm mai, v.v...
Đặc biệt, qua cuốn sách chúng ta biết được một số thuật ngữ (Công giáo) cũng như cách dịch đương thời. Xin được dẫn một vài trường hợp:
Bí tích thêm sức, được ghi là xức trán. Bí tích này làm cho tín đồ được chịu lấy Đức Chúa Thánh thần cùng nhiều ơn thêm sức cho mạnh tin mà xưng đạo thánh Đức Chúa trời ra trước mặt thiên hạ, thà chết chẳng bỏ đạo(9). Sở dĩ lúc bấy giờ gọi là Phép xức trán vì người thực hiện bí tích này “chấm ngón tay cái vào dầu thánh thơm và để tay lên đầu kẻ chịu phép, đoạn lấy ngón tay cái đã chấm dầu thánh vẽ dấu thánh giá lên trán người ấy.”(10)
Về cách dịch, xin được dẫn hai trường hợp: một là Mười điều răn; Hai là Kinh lạy Cha. Để bạn đọc hình dung, chúng tôi tiến hành so sánh giữa sách Bổn dạy chầu dâng (được đánh số là bản 1) với sách Giáo lí Giáo hội Công giáo, sách biên soạn cho giáo dân Việt Nam, in năm 1996, (được đánh số là bản 2):
Về Mười điều răn
Về bản Kinh lạy Cha

Bản 1
Bản 2
Lạy Cha chúng tôi ở trên trời, chúng tôi nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, vâng ý Cha làm dưới đất bằng trên trời vậy. Chúng tôi xin rằng hàng ngày dùng đủ và tha nợ chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng tôi. Lại chớ để chúng tôi phải sa cám dỗ, bền trợ chúng tôi cho khỏi sự dữ. Amen!
Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con lương thực hàng ngày và tha nợ cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa trước cám dỗ, nhưng cứu chúng con khỏi sự dữ. Amen!
Qua sự trình bày và phân tích ở trên dù chỉ ở dạng thông báo, nhưng có thể khẳng định cuốn Bổn dạy chầu dâng là một cuốn sách cần thiết cho việc nghiên cứu về giáo lí của Công giáo ở Việt Nam.
Chú thích:
(1Linh mục Nguyễn Hưng: Sơ thảo thư mục Hán Nôm Công giáo Việt Nam. Lưu hành nội bộ, 2000.
(2Văn phòng Tổng thư kí Hội đồng Giám mục Việt Nam: Giáo hội Công giáo Việt Nam, Niên giám 2004, Hà Nội, 2004, trang 265.
(3Theo chúng tôi, trong từ “chầu dâng”, “chầu” có nghĩa là “chờ” (học để rửa tội); “dâng”có nghĩa là “dâng mình cho Thiên Chúa. Bổn dạy chầu dâng: Sách bổn dạy cho những người chờ dâng mình cho Thiên Chúa.
(4Bản dịch của Trần Anh Đào, Nguyễn Hồng Dương hiệu đính.
(5Mục lục thư tịch Hán Nôm , tàng trữ tại Hội Thừa sai Ba -lê, Hội Thừa sai Ba-lê xuất bản, 2004, tr.16.
(6Linh mục Nguyễn Hưng: Sơ thảo thư mục Hán Nôm Công giáo Việt Nam, Sđd, tr.87.
(7) Viện Nghiên cứu Hán Nôm: Từ điển chữ Nôm, từ điều “Dâng”“Dưng”,” Nhưng”, H2006, tr.250, 290, 291.
(8Những chỗ đánh dấu * này là những chữ mà chúng tôi chưa rõ.
(9Sách Kinh bổn, Tòa Giám mục Phát Diệm xuất bản, 1991, tr.303.
(10Sách Kinh bổn, Tòa Giám mục Phát Diệm xuất bản, 1991, tr.303-304./.

Thông báo Hán Nôm học 2006 (tr.133-142)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét