Thứ Ba, 20 tháng 12, 2011

Ô Châu diễn ký: Nhan sắc Thiên Đường(Cu lang Cat)


Ô Châu diễn ký: Nhan sắc Thiên Đường

CLC: Bắt đầu từ hôm nay Cu Làng Cát sẽ mở thêm chuyên mục Ô Châu diễn ký, trong đó chép lại những cảnh đẹp của núi non hiền từ quê hương. Nhưng cũng là nơi biên ra các vấn đề mà hậu thế Ô Châu cư xử với tiền nhân. Cũng là nơi mà nhiều người đến lại "quẫy bầu về không" do các chai lì quan liêu, ô lậu.
Nhan sắc Thiên Đương
Ẩn sâu giữa rừng mưa Kẻ Bàng (Quảng Bình) là hang động Thiên Đường, một nhan sắc tuyệt đẹp của vận động địa mạo địa chất từ hàng trăm triệu năm trước. Tại thời điểm phát hiện, danh lục hang động thế giới năm 2005 chưa hề có mô tả nào về hang động tuyệt trần này.
Con đường nhan sắc hang động

Và từ lúc công bố đến nay, Thiên Đường luôn gây sự chú ý của giới nghiên cứu bởi sự lỳ lạ mê hoặc trong lòng hang.
          Mười lăm ngày tìm Thiên Đường
          Năm 2005, từ thông tin của người dẫn đường Hồ Khanh, đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh đã vạch rừng cùng người dân địa phương bám vào những vách đá, theo đường lõi giữa rừng rậm, men theo nhánh tây đường Hồ Chí Minh, tìm đến một cửa hang nhỏ. Trong mô tả, Hồ Khanh nói đây là một hang động choáng ngợp, đoàn thám hiểm hy vọng một cửa hang đúng như lời mô tả với không gian huy hoàng. Nhưng đứng trước cửa hang nhỏ bé chưa đến hai mét vuông, đoàn thám hiểm dường như thất vọng và có người muốn bỏ cuộc. Hồ Khanh thuyết phục, đã đến nơi không nên lãng phí thời gian, cần bước vào khám phá. Đoàn thám hiểm quyết định nối dây xuống lòng hang. Họ từng người đu theo dây thừng, xuống âm 60m. Lặng lẽ xuống, lặng lẽ bật đèn một cách khiên cưỡng, sau một thoáng đèn pha dọi đi, không gian như bất tận, trần hang, tường hang, nền hang thấp thoáng cao rộng, chót vót trong màn sương giăng của hơi nước. Tất cả choáng ngợp và mọi người trong đoàn ai nấy đều ngỡ ngàng trước giây phút đầu tiên diện kiến hang động kỳ lạ từ cửa hang nhỏ bé.
Như gam màu Phục Hưng

          Howard Liimber, chuyên gia hàng đầu về hang động thế giới, người dẫn đoàn nói với Hồ Khanh: “Một tuyệt tác mà tôi chưa bao giờ biết đến trong gần 20 năm tìm kiếm hang động ở Việt Nam”.  Vừa nói, họ vừa thống nhất đi sâu vào hang động này. Vừa vào sâu, không khí vừa thoáng đãng, nhịp thở đều đặn, không bị khúc gấp, dường như có lỗ thông nào đó khiến cho việc tiếp tế dưỡng khí rất tốt. Họ đi trong say đắm của thạch nhũ khổng lồ, của vô số măng đá mọc từ nền đất lạnh rồi từ trần hang chui xuống. Như một vườn địa đàng mà họ chưa bao giờ chứng kiến. Họ cắm trại trong đó, chiêm ngưỡng và thẩm định, kẻ vẽ bản đồ lòng hang và thán phục tạo hoá.
          Tròn mười lăm ngày, vượt qua một lòng hồ chừng 20m, nước lạnh mát, họ đi đến một cửa hang lộng gió, nơi đó chính là cửa thoát ra của hang động, họ mất 15 ngày ở trong lòng núi đá vôi. Sau cửa hang là một khu rừng rậm nhiệt đới với đầy đủ chim muông, thú vượn trên cao.
          Thông thường, với các khám phá mới, đoàn của Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh thường để cho người bản địa đặt tên hang động, và Hồ Khanh giành quyền ưu tiên này. Khanh không biết gọi tên hang động này là gì, bởi nó quá đẹp, vẻ đẹp của nó vượt quá tư duy ngôn từ mà người như Hồ Khanh chưa từng chứng kiến. Thế rồi đoàn phải tự đặt tên hang. Lần lượt 12 chuyên gia đưa ra các phương án, không ai có thể đưa đến một cái tên đúng tầm. Bất chợt, bà Dep, vợ của Howard Limber thốt lên từ Thiên Đường, mọi người ồ lên và quyết định gọi tên hang động đó là Thiên Đường. Từ đó, kho tàng địa chất thế giới thêm một cái tên mới, một thiên đường lâu nay chỉ có trong kinh thánh, nay đã hiện hữu giữa miền Trung Việt Nam.
Ngày Thiên Đường giáng thế

          Nhan sắc tuyệt trần
          Tại thời điểm được khám phá, Thiên Đường được đánh giá là hang động đẹp nhất thế giới, nay ngôi vị này đã nằm thứ hai của bảng xếp hạng từ BBC. Nhưng các chuyên gia hang động thế giới vẫn xem Thiên Đường là vẻ đẹp không thể thay thế. Bởi một lẽ, sự ngoạn mục tuyệt thế lại nằm sau một cửa hang nhỏ là điều độc nhất vô nhị trên thế giới. Hơn nữa, cửa hang như một chiếc máy điều hoà tự nhiên không một hang động nào sánh bằng, du khách vượt 529 bậc thang, đến gần cửa hang, hơi mát phả vào làm thân nhiệt cân bằng và sức khoẻ hồi phục rất nhanh để tìm đến Thiên Đường.
          Thạch nhũ trong đó là những cấu trúc tuyệt vời mà các hang động ở Trung Hoa không thể bì kịp, các chuyên gia hang động thế giới nói: “Thạch nhũ trong hang Thiên Đường không một hang động nào ở Trung Quốc có thể sánh vai, lại càng không thể so sánh sự lộng lẫy của kỳ quan hang động này với các hang động ở Trung Hoa bởi vẻ đẹp tráng lệ ở Thiên Đường là vẻ đẹp nổi trội, kiêu sa, và cả mẫn tiệp của tự nhiên”.
Thạch nhũ màu hổ phách

Thật vậy, càng đi sâu vào Thiên Đường, mỗi buồng hang có những đặc trưng và tuyệt mỹ riêng. Buồng hang giai nhân với lả lướt của vô số thạch nhũ hình thiếu nữ, buồng hang phục hưng với với trác tuyệt cổ kính, hàm chứa trầm tích và trí tuệ vô song của thời gian, buồng hang hổ phách với các gam màu hổ phách trẫm đầy sự huyễn hoặc của các huyền tích, huyền thoại và sự vạm vỡ của các hoa đá, măng đá toả ra.
          Nhưng kỳ lạ nhất là khối nhũ hình nhà rông, hoàn toàn không do bàn tay con người, mà tự chính các tính toán của tự nhiên và trí tuệ tạo hoá cấu trúc thành. Một ngôi nhà rông xinh xắn, tuyệt đẹp, nếu tạo hoá quá tay một chút chắc khối thạch nhũ đó thành dạng kiến trúc khác, nếu thiếu đi một chút cầu kỳ, khối thạch nhũ đó không ra dáng nhà rông, và nếu non tay một chút, con người không thể có kiệt tác tự nhiên nào như thế. Rồi những mái tóc đổ dài như thác, những cụm thạch nhũ như rừng nhiệt đới trong lòng hang, hay các con đường thạch nhũ như ruộng bậc thang đang làm ngàn vạn du khách ngỡ ngàng thán phục tự nhiên.
          31,4km là chiều dài của động Thiên Đường, phía trong nó như một thánh đường lồng lộng của kiến trúc thời La Mã. Nó vượt trên tất cả hang động khác như Phong Nha, Tiên Sơn đến một trăm lần. Đó là ngôn từ chuẩn mà các nhà địa mạo ban ra. Cạnh cửa hang, còn có một tuyệt trần khác, nếu định giá bằng tiền, nó lên đến hàng ngìn tỷ đồng, đầy là cây hoá thạch cổ đại được các nhà khoa học Nga lên tiếng là quý hiếm. Cây mọc hình chữ A, bám vào đá núi, đàn ngàn vạn năm bám vào nhau như muôn đời cần có nhau.
Nhan sắc được ví đẹp gấp trăm lần các hang động Trung Hoa

          Vì sao có nhan sắc Thiên Đường
          Các nhà khoa học đã tim ra cơ chế hình thành Thiên Đường một cách ngoạn mục từ biển cả. Một công trình khoa học của tổ chức hợp tác Đức (GIZ) do Andrew P.Spate công bố: “Những quả đồi bát úp vốn nằm sâu dưới đáy biển cách đây trên 460 triệu năm đã tạo nên sinh cảnh đặc thù cho vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Hai khoáng chất hoà tan là canxi và các bon có nhiều trong vỏ cứng bảo vệ của các loài sinh vật biển, kết hợp một cách tự nhiên cùng nước biển, tạo thành khoáng chất mới là canxicacbonat có đặc tính hoà tan thấp hơn hai nguyên tố ban đầu. Các tinh thể canxicacbonat chìm xuống đáy biển, hợp với rất nhiều vỏ sò, cùng xương các loài sinh vật biển tạo thành một lớp mùn đen. Dần dần lớp bùn này hoá thạch và lưu trữ tàn tích của các loài sinh vật biển bên trong.
Một góc Thiên Đường

Sự biến đổi trong thành phần hoá học của nước biển qua hàng triệu năm làm biến đổi tính chất của đá từ khi là lớp bùn ban đầu đến khi trở thành đá. Loại đá hình thành giữa các lớp khác nhau hoặc tại những mặt phân lớp được gọi là “đá trầm tích”. Những kiến tạo địa chất mãnh liệt hình thành vỏ trái đất đã đẩy những lớp trầm tích này nhô lên từ đáy biển và tạo thành những ngọn núi tại Phong Nha. Những dải núi này hiện đang nằm phơi mình dưới mưa nắng theo thời gian. Một điều thú vị mà chúng ta phát hiện về đá vôi là nó hình thành qua nước biển nhưng hoà tan qua nước mưa. Nước mưa thấm vào những kẻ nứt của đá vôi, do tác động của trọng lực, nước chảy xuống cho đến khi gặp tầng phân lớp trầm tích. Tại đây, nước mưa tiếp tục chảy theo các khe nứt cho đến khi gặp một tầng phân lớp khác và tiếp tục chảy xuống dưới tác động của trọng lực. Quá trình này tiếp diễn đến khi dòng nước chảy xuyên qua các lớp đá vôi và mỗi lần hoà tan một chút để mang theo. Dần dần những khe nứt trở nên rộng hơn vì đá vôi hoà tan tạo nên những kỳ quan tiềm ẩn trong những dải núi đá vôi ở Phong Nha, trong đó có Thiên Đường”.
Cột thạc nhũ cao vút

Đẹp như mơ

Một phần báu vặt hàng trăm triệu năm
Box: Thiên Đường hiện được tập đoàn Trường Thịnh đầu tư hơn 100 tỷ đồng khai thác du lịch. Cách thức tham quan Thiên Đường được làm bằng cầu thang gỗ dài hơn 1km theo tài liệu của liên minh bảo vệ thiên nhiên thế giới IUCN nhằm tránh để du khách dâm lên thạch nhũ. Chính điều này đang ngày càng được đánh giá cao bởi bảo vệ được môi trường hang động.
Rất nhiều người đến Thiên Đường đã ngỡ ngàng và kết luận, không đi Thiên Đường thật sự uổng mất nửa đời người bởi vẻ đẹp trong sáng và tinh khiết của vùng đất khó khăn Ô Châu tạo ra kỳ quan này
Hun hút lòng hang động được thiết kế cầu thang gỗ để giữ gìn các bảo chứng của 400 triệu năm
Quần thể thạch nhũ lộng lẫy, ở Việt Nam không vùng nào có được quần thể thạch nhũ to lớn, vĩ đại, sắp xếp san sát vào nhau trong một phòng hang rộng lớn, đồ sộ như thế này.
Một nhan sắc tuyệt vời, một vẻ đẹp kiêu sa, một tấm lòng hòa hoa của Thiên Đường cho quê hương
Mình vẫn thích cách diễn đạt của mình rằng, nhà rông của hình ảnh thạch nhũ trong ảnh là trí tuệ của tự nhiên qua hàng trăm triệu năm. Một trí tuệ uyên triết của tạo hóa.
Ngày xưa đọc những cuốn sách của văn hào Victo Hugo, Ban Zắc, Tagor...đều có nhắc đến Thiên Đường và các mô tả đó là khó cưỡng và không kiếm tìm được thật nhưng nay đã thấy có Thiên Đường thật sự ở vùng khó nghèo nhất Việt Nam
Những cột thạch nhũ độc lập, to lớn, cường tráng, vâm váp



Cá tính tự nhiên làm cho con người khoan khoái khi vào Thiên Đường.
Một cấu trúc tuyệt trần của vận động địa mạo địa chất, là của để dành không thể bán như các thứ tài nguyên nào khác.
Minh Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét