Thứ Năm, 22 tháng 12, 2011

BỔN DẠY CHẦU DÂNG" VÀ GIÁO LÝ CÔNG GIÁO VIỆT NAM



BỔN DẠY CHẦU DÂNG" VÀ GIÁO LÝ CÔNG GIÁO VIỆT NAM



 BỔN DẠY CHẦU DÂNG - MỘT CUỐN SÁCH CẦN THIẾT 
CHO VIỆC NGHIÊN CỨU VỀ GIÁO LÝ CÔNG GIÁO Ở VIỆT NAM
Nguyễn Hồng Dương - Trần Anh Đào
Viện Nghiên cứu Tôn giáo
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Truyền bá và phát triển đạo Công giáo ở Việt Nam, một trong những việc cần làm đầu tiên của Công giáo ở Việt Nam là biên soạn sách kinh bổn cho tín đồ. Sách bổn thuộc vào loại sách giáo lí. Sách bổn hiểu một cách đại lược là sách mà Công giáo Việt Nam biên soạn những tín lí, những lẽ đạo cần thiết để dạy tín đồ. Cuốn Kinh Bổn,Toàn Giám mục Phát Diệm xuất bản, 1991, Phần II, Sách bổn, giải nghĩa là sách “dạy những lẽ cần cho được rỗi linh hồn”.
Cho đến đầu thế kỉ XX, hầu hết sách bổn đều được xuất bản bằng chữ Nôm. Theo Linh mục Nguyễn Hưng: “Sách Hán Nôm Công giáo Việt Nam bắt đầu từ khi cộng đồng này có mặt ở Việt Nam, từ thế kỉ XVII cho đến đầu thế kỉ XX. Tức là từ mấy trang thư viết bằng chữ Nôm của Ben-tô Thiện và một số giáo dân đệ trình sang Tòa Thánh các năm 1645 và 1675, cho đến cuốn sách Nôm xuất bản cuối cùng vào năm 1929 là cuốn Thánh giáo kinh nguyện (Hà Nội).”(1)
II. VÀI NÉT VỀ VĂN BẢN
Trong số sách giáo lí được soạn bằng chữ Nôm của Giáo hội Công giáo Việt Nam đáng chú ý là cuốn Bổn dạy chầu dâng. Sách do Giám mục Y-di-đô Lư Mĩ, giám mục giáo phận Tây Đàng Trong soạn. Y-di-đô Lư Mĩ là phiên âm từ tên riêngIsidor François Joseph Colombert Mĩ, Giám mục thuộc Hội Thừa sai Paris (MEP), sinh ngày 19-3-1838; chịu chức linh mục ngày 30-5-1863; sang Nam kì ngày 16-7-1863; chịu chức Giám mục ngày 25-7-1872 ở Sài Gòn, hiệu toàn Samosate; mất ngày 31-12-1894 tại Sài Gòn.(2)
Bổn dạy chầu dâng, là sách bổn được soạn dùng cho người lớn có nhu cầu gia nhập đạo Công giáo học để được rửa tội.(3) Phần mở đầu với tiêu đề Tiểu tự, viết:
“Bấy lâu nay ta ước ao cho có một quyển sách trình bày vắn tắt, tóm lại những lẽ cần kíp hơn trong Đạo thánh đức Chúa trời, cho chầu dâng đặng học. Nay ta đã coi lại bản cũ dạy chầu dâng và thêm một vài điều. Cũng chép vào những kinh bổn đạo quen đọc hôm mai (sớm tối). Vậy phần thứ nhất và phần thứ hai bản này tóm lại những lẽ cần kíp trong Đạo và những kinh thường chầu dâng phải học thuộc lòng trước khi chịu phép rửa tội. Còn trong phần thứ hai, thì chầu dâng phải học thuộc lòng chút ít nữa là Thiên chúa thập giới và Hội thánh luật điều. Ai nấy đều phải giữ lề luật chung này mà dạy chầu dâng trong địa phận ta.
Ta ban phép(4) sách này.
Giám mục Y-di-đô Lư Mĩ ghi.”(5)
Cuốn Bổn dạy chầu dâng mà chúng tôi có trong tay để dịch được in ra từ đĩa Micro film do linh mục G. Mossay, Hội Thừa sai Paris (MEP) gửi tặng.
Do không có bản gốc nên chúng tôi không rõ sách được in trên loại giấy gì. Sách có độ dày 44 trang, mỗi trang 8 dòng, mỗi dòng 24 chữ. Theo cuốn: Mục lục thư tịch Hán Nôm tàng trữ tại Hội Thừa sai Paris thì khổ sách là 23x14,4cm.(6) Căn cứ vào khổ sách có thể đoán được sách in trên giấy dó, một loại giấy in chữ Hán Nôm đương thời,và đây là loại mộc bản. Linh mục Nguyễn Hưng trong cuốn Sơ thảo thư mục Hán Nôm Công giáo Việt Nam cho biết sách do nhà in Nazareth in, 44 trang, in trên giấy tàu bạch.(7)
Tuy nhiên theo Linh mục Nguyễn Hưng thì tác phẩm này còn thất lạc, nhưng trên thực tế đã trình bày ở trên thì sách hiện vẫn còn được lưu giữ tại thư khố của Hội Thừa sai Paris (MEP). Điểm lưu ý là độ dày của sách 44 trang là trùng với số trang của sách mà chúng có trong tay. Còn sách được in trên giấy tàu bạch hay không, hiện chưa thể biết chính xác.
Cuốn sách Mục lục thư tịch Hán Nôm tàng trữ tại Hội Thừa sai Paris khi đề cập đến cuốn Bổn dạy chầu dâng có một số điểm lưu ý sau đây:
Trang 16 viết: Bổn dạy chầu những, đó là do dịch giả có sự lầm lẫn giữa âm đọc chữ “” là “dưng” và “những”. Theo Từ điển chữ Nôm của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, chữ “” gồm các âm đọc như “dưng”, “nhưng” chúng tôi, người soạn văn chữ Nôm này chịu ảnh hưởng của tiếng địa phương (“những”, nhưng cũng có trường hợp chữ dưng được viết bởi “đăng + thượng” (登上), tức là chữ dâng có dấu nháy (), như vậy có sự liên hệ giữa âm đọc và cách viết chữ nhưng và chữ dưng và cả chữ dâng.(8) Hơn nữa, (theo chữ Nam Bộ), nên chữ chầu dâng được viết bởi chữ chầu dưng (朝仍) mà không phải là chầu dâng (朝登上). Song đây cũng chỉ là phỏng đoán của chúng tôi, mong được các nhà Hán Nôm học chỉ giáo.
Trang 81, in hình chụp bìa cuốn Bổn dạy chầu dâng.
Trang 82, chụp trang tiếp theo của cuốn sách, trang này được chia thành ba phần theo chiều dọc. Phần giữa rộng hơn in thời gian ấn tống: Giáng sinh Một ngàn tám trăm tám hai năm (Năm Thiên Chúa giáng sinh 1882), hai phần dọc hai bên hẹp hơn và phần in chữ cũng nhỏ hơn.
Phần dọc bên phải ghi: Khâm Chúa ái nhân chân phúc bản
Phần dọc bên trái ghi: Trừ tư át dục trắc Thiên (扌弟 )
Những nội dung trên hầu hết phù hợp với nội dung thư mục được in ở trang 16 cuốn Mục lục thư tịch Hán Nôm tàng trữ tại Hội Thừa sai Paris. Sở dĩ chúng tôi viết “hầu hết” vì có một điểm đáng lưu ý trong nội dung thư mục còn ghi thêm sách được in tại nhà in Nazareth Hương Cảng. Phần nội dung này không thấy có trong mộc bản, như vậy có thể suy ra ngoài bản in năm 1882 (không rõ in ở đâu), còn có một bản in tại nhà in Nazareth. Cũng cần lưu ý một bản nữa in ở nhà in này vào năm 1897. Bản in này khác với bản 1882. Căn cứ vào bản chụp in trong cuốn Mục lục thư tịch Hán Nôm tàng trữ tại Hội Thừa sai Paris, trang bìa lót (Không thấy chụp trang bìa chính) có in hoa văn diềm xung quanh, được chia làm năm phần thay vì chia làm ba phần theo chiều dọc như bản in năm 1882. Phần giữa ghi chữ to đậm Thiên Chúa giáng sinh Một ngàn tám trăm chín mươi bảy năm (năm Thiên Chúa giáng sinh 1897); Hai phần ở hai bên từ phải qua trái ghi chữ nhỏ hơn:
Hương Cảng chúa giáo Hòa Chuẩn
Khâm Chúa ái nhân chân phúc bản,
Trừ tư át dục trắc Thiên * (扌弟 )
Hương Cảng Nạp tạp lạp (Nazareth) Tĩnh viện ấn bản.
Đây là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu thêm, trong bài viết này chúng tôi chỉ xin đề cập đến bản in năm 1882.
III. TÓM TẮT NỘI DUNG
Ngoài trang bìa, trang bìa lót và bài Tiểu tự đã được chúng tôi trình bày ở trên, những trang còn lại là phần nội dung cuốn sách. Nội dung được soạn theo hình thức vấn đáp Hỏi - Thưa với ba phần.
Phần thứ nhất gồm mười vấn đề xoay quanh những tín lí Công giáo, từ trang 5 đến trang 20. Trang 21 và hai dòng của trang 22 là phần tóm lại mười vấn đề đã được trình bày ở trên với đầu đề: Tóm lại các điều trước nay.Xin được trích nguyên văn:
“Sáu điều cần kíp mọi người phải biết và tin cho đặng rỗi linh hồn: Một là: Tôi phải tin có một Đức Chúa trời, mà Ngài có ba ngôi. Ngôi thứ nhất là Cha, ngôi thứ hai là Con và ngôi thứ ba là Đức Chúa Thánh thần. Ba ngôi một tính một phép, ba ngôi một Chúa, ba ngôi bằng nhau. Hai là: Tôi phải tin ngôi thứ hai ra đời làm người có hồn có xác như ta, mà Ngài cũng là Đức Chúa trời thực. Ba là: Tôi phải tin Đức Chúa Giê su chịu nạn chịu chết trên cây thánh giá cho cả loài người ta. Bốn là: Tôi phải tin mỗi người có một linh hồn tính thiêng liêng, là loại hằng sống, chẳng hề chết được. Năm là: Tôi phải tin có thiên đường để thưởng lành đời đời, có địa ngục để phạt kẻ dữ kiếp kiếp. Sáu là: tôi phải tin đến ngày tận thế, xác loài người ta đến thì sống lại mà chịu phán xét chung, kẻ lành lên thiên đường hưởng phúc, kẻ dữ sa địa ngục chịu hình khổ đời đời chẳng hết (cùng). Lại (nữa) tôi cũng phải tin mỗi điều Hội Thánh dạy chẳng sót điều nào”.
Phần thứ hai, từ trang 22 đến trang 30, gồm các nội dung:
·Thiên Chúa Thập giới (Mười điều răn đạo đức Chúa Trời).
·Hội Thánh lục giới (Sáu điều răn của Hội Thánh).
·Thương xác bảy điều (Thương xác bảy mối).
·Thương linh hồn bảy điều (Thương linh hồn bảy mối).
·Cải tội bảy mối (Cải tội bảy mối có bảy đức).
·Phúc thật tám mối (Tám mối phúc thật).
·Phần thứ ba, từ trang 30 đến trang 42 viết về các kinh ban ngày cho người chầu dâng đọc, bao gồm:
·Kinh Lấy dấu
·Kinh Nhật một
·Kinh Tin
·Kinh Cậy
·Kinh Kính mến
·Kinh Dâng
·Kinh Lạy Cha
·Kinh Kính mừng
·Kinh Tín kính
·Kinh Cáo mình
·Kinh Ăn năn tội
·Kinh Tôi thưa Đức Chúa Thiên thần
·Kinh Lạy Nữ vương
·Kinh Chúng tôi trông cậy
IV. MỘT VÀI NHẬN XÉT
Đúng như phần Tiểu tự, cuốn sách đã giới thiệu tóm tắt những điều cần thiết để dạy bổn đạo, đó là những lí tín cơ bản của Công giáo, những lề luật mà người chầu dâng phải biết và một số kinh cầu cốt yếu mà họ phải thuộc trước khi chịu phép rửa tội.

Bản 1
Bản 2
Thiên Chúa Thập giới
Mười điều răn Đạo Đức Chúa trời
Thứ nhất: Kính trọng một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự
Thứ nhất: Thờ phượng một Đức Chúa Trời duy nhất và kính mến Người trên hết mọi sự
Thứ hai: Chớ lấy tên Đức Chúa Trời mà thề dối
Thứ hai: Chớ kêu tên Đức Chúa trời vô cớ
Thứ ba: Giữ ngày Chúa nhật
Thứ ba: Giữ ngày Chúa nhật
Thứ bốn: Thảo kính cha mẹ, cùng các đấng bề trên, phần hồn phần xác
Thảo kính cha mẹ
Thứ năm: Chớ giết người. Chớ làm hại cho người, chớ làm điều xấu.
Thứ năm: Chớ giết người
Thứ sáu: Chớ làm tà dâm.
Thứ sáu: chớ làm sự dâm dục
Thứ bảy: Chớ ăn trộm cắp, chớ ăn gian, ăn bớt của ai.
Thứ bảy: Chớ lấy của người
Thứ tám: Chớ bỏ vạ cho người. Chớ nói dối, chớ làm chứng dối, chớ vô chứng cứ mà hồ nghi sự trái cho ai, chớ nói hành bỏ vạ ai.
Thứ tám: Chớ làm chứng dối
Thứ chín: Chớ mong vợ chồng người. Chớ có lòng động lòng lo, tư tưởng sự chẳng nên
Thứ chín: Chớ muốn vợ chồng người
Thứ mười: Chớ tham của người
Thứ mười: Chớ tham của người

Sách được soạn vào năm 1882, trên cơ sở của cuốn sách trước đó. Những nội dung biên soạn về cơ bản cho đến nay vẫn thấy sử dụng trong các sách kinh, bổn của các địa phận công giáo. Điều này cho thấy từ rất sớm, Giáo hội Công giáo ở Việt Nam đã định hình được những vấn đề cốt lõi để dạy tín đồ.
Hình thức thể hiện ở phần thứ nhất: dạy những lí tín theo cách hỏi đáp, ngắn gọn, súc tích, giúp cho người chầu dâng dễ thuộc, dễ nhớ, vì hẳn là phần lớn trong số họ đều không biết chữ. Hình thức này, ngày nay Giáo hội vẫn tiếp tục sử dụng bởi tính hiệu quả cao của nó.
Sách do Giám mục Sài Gòn soạn bằng chữ Nôm nên chúng ta bắt gặp một số từ ngữ địa phương như Chầu dưng (dâng), ả, hôm mai, v.v...
Đặc biệt, qua cuốn sách chúng ta biết được một số thuật ngữ (Công giáo) cũng như cách dịch đương thời. Xin được dẫn một vài trường hợp:
Bí tích thêm sức, được ghi là xức trán. Bí tích này làm cho tín đồ được chịu lấy Đức Chúa Thánh thần cùng nhiều ơn thêm sức cho mạnh tin mà xưng đạo thánh Đức Chúa trời ra trước mặt thiên hạ, thà chết chẳng bỏ đạo(9). Sở dĩ lúc bấy giờ gọi là Phép xức trán vì người thực hiện bí tích này “chấm ngón tay cái vào dầu thánh thơm và để tay lên đầu kẻ chịu phép, đoạn lấy ngón tay cái đã chấm dầu thánh vẽ dấu thánh giá lên trán người ấy.”(10)
Về cách dịch, xin được dẫn hai trường hợp: một là Mười điều răn; Hai là Kinh lạy Cha. Để bạn đọc hình dung, chúng tôi tiến hành so sánh giữa sách Bổn dạy chầu dâng (được đánh số là bản 1) với sách Giáo lí Giáo hội Công giáo, sách biên soạn cho giáo dân Việt Nam, in năm 1996, (được đánh số là bản 2):
Về Mười điều răn
Về bản Kinh lạy Cha

Bản 1
Bản 2
Lạy Cha chúng tôi ở trên trời, chúng tôi nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, vâng ý Cha làm dưới đất bằng trên trời vậy. Chúng tôi xin rằng hàng ngày dùng đủ và tha nợ chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng tôi. Lại chớ để chúng tôi phải sa cám dỗ, bền trợ chúng tôi cho khỏi sự dữ. Amen!
Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con lương thực hàng ngày và tha nợ cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa trước cám dỗ, nhưng cứu chúng con khỏi sự dữ. Amen!
Qua sự trình bày và phân tích ở trên dù chỉ ở dạng thông báo, nhưng có thể khẳng định cuốn Bổn dạy chầu dâng là một cuốn sách cần thiết cho việc nghiên cứu về giáo lí của Công giáo ở Việt Nam.
Chú thích:
(1Linh mục Nguyễn Hưng: Sơ thảo thư mục Hán Nôm Công giáo Việt Nam. Lưu hành nội bộ, 2000.
(2Văn phòng Tổng thư kí Hội đồng Giám mục Việt Nam: Giáo hội Công giáo Việt Nam, Niên giám 2004, Hà Nội, 2004, trang 265.
(3Theo chúng tôi, trong từ “chầu dâng”, “chầu” có nghĩa là “chờ” (học để rửa tội); “dâng”có nghĩa là “dâng mình cho Thiên Chúa. Bổn dạy chầu dâng: Sách bổn dạy cho những người chờ dâng mình cho Thiên Chúa.
(4Bản dịch của Trần Anh Đào, Nguyễn Hồng Dương hiệu đính.
(5Mục lục thư tịch Hán Nôm , tàng trữ tại Hội Thừa sai Ba -lê, Hội Thừa sai Ba-lê xuất bản, 2004, tr.16.
(6Linh mục Nguyễn Hưng: Sơ thảo thư mục Hán Nôm Công giáo Việt Nam, Sđd, tr.87.
(7) Viện Nghiên cứu Hán Nôm: Từ điển chữ Nôm, từ điều “Dâng”“Dưng”,” Nhưng”, H2006, tr.250, 290, 291.
(8Những chỗ đánh dấu * này là những chữ mà chúng tôi chưa rõ.
(9Sách Kinh bổn, Tòa Giám mục Phát Diệm xuất bản, 1991, tr.303.
(10Sách Kinh bổn, Tòa Giám mục Phát Diệm xuất bản, 1991, tr.303-304./.

Thông báo Hán Nôm học 2006 (tr.133-142)

Thứ Ba, 20 tháng 12, 2011

Ô Châu diễn ký: Nhan sắc Thiên Đường(Cu lang Cat)


Ô Châu diễn ký: Nhan sắc Thiên Đường

CLC: Bắt đầu từ hôm nay Cu Làng Cát sẽ mở thêm chuyên mục Ô Châu diễn ký, trong đó chép lại những cảnh đẹp của núi non hiền từ quê hương. Nhưng cũng là nơi biên ra các vấn đề mà hậu thế Ô Châu cư xử với tiền nhân. Cũng là nơi mà nhiều người đến lại "quẫy bầu về không" do các chai lì quan liêu, ô lậu.
Nhan sắc Thiên Đương
Ẩn sâu giữa rừng mưa Kẻ Bàng (Quảng Bình) là hang động Thiên Đường, một nhan sắc tuyệt đẹp của vận động địa mạo địa chất từ hàng trăm triệu năm trước. Tại thời điểm phát hiện, danh lục hang động thế giới năm 2005 chưa hề có mô tả nào về hang động tuyệt trần này.
Con đường nhan sắc hang động

Và từ lúc công bố đến nay, Thiên Đường luôn gây sự chú ý của giới nghiên cứu bởi sự lỳ lạ mê hoặc trong lòng hang.
          Mười lăm ngày tìm Thiên Đường
          Năm 2005, từ thông tin của người dẫn đường Hồ Khanh, đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh đã vạch rừng cùng người dân địa phương bám vào những vách đá, theo đường lõi giữa rừng rậm, men theo nhánh tây đường Hồ Chí Minh, tìm đến một cửa hang nhỏ. Trong mô tả, Hồ Khanh nói đây là một hang động choáng ngợp, đoàn thám hiểm hy vọng một cửa hang đúng như lời mô tả với không gian huy hoàng. Nhưng đứng trước cửa hang nhỏ bé chưa đến hai mét vuông, đoàn thám hiểm dường như thất vọng và có người muốn bỏ cuộc. Hồ Khanh thuyết phục, đã đến nơi không nên lãng phí thời gian, cần bước vào khám phá. Đoàn thám hiểm quyết định nối dây xuống lòng hang. Họ từng người đu theo dây thừng, xuống âm 60m. Lặng lẽ xuống, lặng lẽ bật đèn một cách khiên cưỡng, sau một thoáng đèn pha dọi đi, không gian như bất tận, trần hang, tường hang, nền hang thấp thoáng cao rộng, chót vót trong màn sương giăng của hơi nước. Tất cả choáng ngợp và mọi người trong đoàn ai nấy đều ngỡ ngàng trước giây phút đầu tiên diện kiến hang động kỳ lạ từ cửa hang nhỏ bé.
Như gam màu Phục Hưng

          Howard Liimber, chuyên gia hàng đầu về hang động thế giới, người dẫn đoàn nói với Hồ Khanh: “Một tuyệt tác mà tôi chưa bao giờ biết đến trong gần 20 năm tìm kiếm hang động ở Việt Nam”.  Vừa nói, họ vừa thống nhất đi sâu vào hang động này. Vừa vào sâu, không khí vừa thoáng đãng, nhịp thở đều đặn, không bị khúc gấp, dường như có lỗ thông nào đó khiến cho việc tiếp tế dưỡng khí rất tốt. Họ đi trong say đắm của thạch nhũ khổng lồ, của vô số măng đá mọc từ nền đất lạnh rồi từ trần hang chui xuống. Như một vườn địa đàng mà họ chưa bao giờ chứng kiến. Họ cắm trại trong đó, chiêm ngưỡng và thẩm định, kẻ vẽ bản đồ lòng hang và thán phục tạo hoá.
          Tròn mười lăm ngày, vượt qua một lòng hồ chừng 20m, nước lạnh mát, họ đi đến một cửa hang lộng gió, nơi đó chính là cửa thoát ra của hang động, họ mất 15 ngày ở trong lòng núi đá vôi. Sau cửa hang là một khu rừng rậm nhiệt đới với đầy đủ chim muông, thú vượn trên cao.
          Thông thường, với các khám phá mới, đoàn của Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh thường để cho người bản địa đặt tên hang động, và Hồ Khanh giành quyền ưu tiên này. Khanh không biết gọi tên hang động này là gì, bởi nó quá đẹp, vẻ đẹp của nó vượt quá tư duy ngôn từ mà người như Hồ Khanh chưa từng chứng kiến. Thế rồi đoàn phải tự đặt tên hang. Lần lượt 12 chuyên gia đưa ra các phương án, không ai có thể đưa đến một cái tên đúng tầm. Bất chợt, bà Dep, vợ của Howard Limber thốt lên từ Thiên Đường, mọi người ồ lên và quyết định gọi tên hang động đó là Thiên Đường. Từ đó, kho tàng địa chất thế giới thêm một cái tên mới, một thiên đường lâu nay chỉ có trong kinh thánh, nay đã hiện hữu giữa miền Trung Việt Nam.
Ngày Thiên Đường giáng thế

          Nhan sắc tuyệt trần
          Tại thời điểm được khám phá, Thiên Đường được đánh giá là hang động đẹp nhất thế giới, nay ngôi vị này đã nằm thứ hai của bảng xếp hạng từ BBC. Nhưng các chuyên gia hang động thế giới vẫn xem Thiên Đường là vẻ đẹp không thể thay thế. Bởi một lẽ, sự ngoạn mục tuyệt thế lại nằm sau một cửa hang nhỏ là điều độc nhất vô nhị trên thế giới. Hơn nữa, cửa hang như một chiếc máy điều hoà tự nhiên không một hang động nào sánh bằng, du khách vượt 529 bậc thang, đến gần cửa hang, hơi mát phả vào làm thân nhiệt cân bằng và sức khoẻ hồi phục rất nhanh để tìm đến Thiên Đường.
          Thạch nhũ trong đó là những cấu trúc tuyệt vời mà các hang động ở Trung Hoa không thể bì kịp, các chuyên gia hang động thế giới nói: “Thạch nhũ trong hang Thiên Đường không một hang động nào ở Trung Quốc có thể sánh vai, lại càng không thể so sánh sự lộng lẫy của kỳ quan hang động này với các hang động ở Trung Hoa bởi vẻ đẹp tráng lệ ở Thiên Đường là vẻ đẹp nổi trội, kiêu sa, và cả mẫn tiệp của tự nhiên”.
Thạch nhũ màu hổ phách

Thật vậy, càng đi sâu vào Thiên Đường, mỗi buồng hang có những đặc trưng và tuyệt mỹ riêng. Buồng hang giai nhân với lả lướt của vô số thạch nhũ hình thiếu nữ, buồng hang phục hưng với với trác tuyệt cổ kính, hàm chứa trầm tích và trí tuệ vô song của thời gian, buồng hang hổ phách với các gam màu hổ phách trẫm đầy sự huyễn hoặc của các huyền tích, huyền thoại và sự vạm vỡ của các hoa đá, măng đá toả ra.
          Nhưng kỳ lạ nhất là khối nhũ hình nhà rông, hoàn toàn không do bàn tay con người, mà tự chính các tính toán của tự nhiên và trí tuệ tạo hoá cấu trúc thành. Một ngôi nhà rông xinh xắn, tuyệt đẹp, nếu tạo hoá quá tay một chút chắc khối thạch nhũ đó thành dạng kiến trúc khác, nếu thiếu đi một chút cầu kỳ, khối thạch nhũ đó không ra dáng nhà rông, và nếu non tay một chút, con người không thể có kiệt tác tự nhiên nào như thế. Rồi những mái tóc đổ dài như thác, những cụm thạch nhũ như rừng nhiệt đới trong lòng hang, hay các con đường thạch nhũ như ruộng bậc thang đang làm ngàn vạn du khách ngỡ ngàng thán phục tự nhiên.
          31,4km là chiều dài của động Thiên Đường, phía trong nó như một thánh đường lồng lộng của kiến trúc thời La Mã. Nó vượt trên tất cả hang động khác như Phong Nha, Tiên Sơn đến một trăm lần. Đó là ngôn từ chuẩn mà các nhà địa mạo ban ra. Cạnh cửa hang, còn có một tuyệt trần khác, nếu định giá bằng tiền, nó lên đến hàng ngìn tỷ đồng, đầy là cây hoá thạch cổ đại được các nhà khoa học Nga lên tiếng là quý hiếm. Cây mọc hình chữ A, bám vào đá núi, đàn ngàn vạn năm bám vào nhau như muôn đời cần có nhau.
Nhan sắc được ví đẹp gấp trăm lần các hang động Trung Hoa

          Vì sao có nhan sắc Thiên Đường
          Các nhà khoa học đã tim ra cơ chế hình thành Thiên Đường một cách ngoạn mục từ biển cả. Một công trình khoa học của tổ chức hợp tác Đức (GIZ) do Andrew P.Spate công bố: “Những quả đồi bát úp vốn nằm sâu dưới đáy biển cách đây trên 460 triệu năm đã tạo nên sinh cảnh đặc thù cho vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Hai khoáng chất hoà tan là canxi và các bon có nhiều trong vỏ cứng bảo vệ của các loài sinh vật biển, kết hợp một cách tự nhiên cùng nước biển, tạo thành khoáng chất mới là canxicacbonat có đặc tính hoà tan thấp hơn hai nguyên tố ban đầu. Các tinh thể canxicacbonat chìm xuống đáy biển, hợp với rất nhiều vỏ sò, cùng xương các loài sinh vật biển tạo thành một lớp mùn đen. Dần dần lớp bùn này hoá thạch và lưu trữ tàn tích của các loài sinh vật biển bên trong.
Một góc Thiên Đường

Sự biến đổi trong thành phần hoá học của nước biển qua hàng triệu năm làm biến đổi tính chất của đá từ khi là lớp bùn ban đầu đến khi trở thành đá. Loại đá hình thành giữa các lớp khác nhau hoặc tại những mặt phân lớp được gọi là “đá trầm tích”. Những kiến tạo địa chất mãnh liệt hình thành vỏ trái đất đã đẩy những lớp trầm tích này nhô lên từ đáy biển và tạo thành những ngọn núi tại Phong Nha. Những dải núi này hiện đang nằm phơi mình dưới mưa nắng theo thời gian. Một điều thú vị mà chúng ta phát hiện về đá vôi là nó hình thành qua nước biển nhưng hoà tan qua nước mưa. Nước mưa thấm vào những kẻ nứt của đá vôi, do tác động của trọng lực, nước chảy xuống cho đến khi gặp tầng phân lớp trầm tích. Tại đây, nước mưa tiếp tục chảy theo các khe nứt cho đến khi gặp một tầng phân lớp khác và tiếp tục chảy xuống dưới tác động của trọng lực. Quá trình này tiếp diễn đến khi dòng nước chảy xuyên qua các lớp đá vôi và mỗi lần hoà tan một chút để mang theo. Dần dần những khe nứt trở nên rộng hơn vì đá vôi hoà tan tạo nên những kỳ quan tiềm ẩn trong những dải núi đá vôi ở Phong Nha, trong đó có Thiên Đường”.
Cột thạc nhũ cao vút

Đẹp như mơ

Một phần báu vặt hàng trăm triệu năm
Box: Thiên Đường hiện được tập đoàn Trường Thịnh đầu tư hơn 100 tỷ đồng khai thác du lịch. Cách thức tham quan Thiên Đường được làm bằng cầu thang gỗ dài hơn 1km theo tài liệu của liên minh bảo vệ thiên nhiên thế giới IUCN nhằm tránh để du khách dâm lên thạch nhũ. Chính điều này đang ngày càng được đánh giá cao bởi bảo vệ được môi trường hang động.
Rất nhiều người đến Thiên Đường đã ngỡ ngàng và kết luận, không đi Thiên Đường thật sự uổng mất nửa đời người bởi vẻ đẹp trong sáng và tinh khiết của vùng đất khó khăn Ô Châu tạo ra kỳ quan này
Hun hút lòng hang động được thiết kế cầu thang gỗ để giữ gìn các bảo chứng của 400 triệu năm
Quần thể thạch nhũ lộng lẫy, ở Việt Nam không vùng nào có được quần thể thạch nhũ to lớn, vĩ đại, sắp xếp san sát vào nhau trong một phòng hang rộng lớn, đồ sộ như thế này.
Một nhan sắc tuyệt vời, một vẻ đẹp kiêu sa, một tấm lòng hòa hoa của Thiên Đường cho quê hương
Mình vẫn thích cách diễn đạt của mình rằng, nhà rông của hình ảnh thạch nhũ trong ảnh là trí tuệ của tự nhiên qua hàng trăm triệu năm. Một trí tuệ uyên triết của tạo hóa.
Ngày xưa đọc những cuốn sách của văn hào Victo Hugo, Ban Zắc, Tagor...đều có nhắc đến Thiên Đường và các mô tả đó là khó cưỡng và không kiếm tìm được thật nhưng nay đã thấy có Thiên Đường thật sự ở vùng khó nghèo nhất Việt Nam
Những cột thạch nhũ độc lập, to lớn, cường tráng, vâm váp



Cá tính tự nhiên làm cho con người khoan khoái khi vào Thiên Đường.
Một cấu trúc tuyệt trần của vận động địa mạo địa chất, là của để dành không thể bán như các thứ tài nguyên nào khác.
Minh Phong